* Làm giàu nhờ cây cam
Vượt qua một quãng đường dài, lầy lội, ngổn ngang đất đá đang được thi công chúng tôi thêm hiểu cái khó của một xã nghèo, xa xôi, cách trở về giao thông. Những năm trước, Vạn Yên còn loay hoay tìm mô hình kinh tế hiệu quả để người dân thoát nghèo ổn định cuộc sống.
Ông Lê Văn Bằng, Chủ tịch xã Vạn Yên cho biết: Là một xã nghèo, đi lại khó khăn, diện tích đất vườn rừng chiếm 2/3 tổng diện tích canh tác. Người dân lại chủ yếu sống nhờ khai thác tài nguyên rừng, biển. Thoát nghèo, dần vươn lên làm giàu luôn là vấn đề được Đảng ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. Qua nhiều lần chuyển đổi, thực tế cho thấy, tận dụng lợi thế của địa phương phát triển kinh tế vườn rừng, trong đó, tập trung phát triển mô hình trồng cam bản địa kết hợp với cây trồng ngắn ngày... đem lại hiệu quả. Xác định được điều đó, Đảng, chính quyền đã tích cực triển khai Nghị quyết vào cuộc sống, khuyến khích, hỗ trợ đắc lực các hộ dân khôi phục giống cam truyền thống. Nhờ thế nhiều hộ đã ổn định kinh tế, vươn lên làm giàu.
|
Nhờ tận dụng được lợi thế đất, cây trồng địa phương mà người dân có nguồn thu ổn định, cải thiện cuộc sống (ảnh: Được mùa thu hoạch cam ở thôn 10-10) |
Nhờ chủ trương mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, cuộc sống của người dân đã có nhiều đổi thay. Tới vườn cam của gia đình bà Lê Thị Bảy (thôn 10-10, xã Vạn Yên) đang vào thời kỳ cho thu hoạch. Với bản thân bà và những hộ dân trong xã, cam là nguồn thu nhập chính, nuôi sống cả gia đình, là tiềm lực kinh tế giúp gia đình ổn định cuộc sống lâu dài, từng bước xoá đói giảm nghèo vươn lên làm giàu. Vườn cam cho gia đình bà thu nhập trên 100 triệu/năm. Bà cho biết: Được sự khuyến khích, hướng dẫn kỹ thuật, cải tạo đất, giống cây cam đã phát triển tốt. Tuy chỉ thu hoạch một năm/vụ, nhưng trồng cam cho thu nhập ổn định, cao hơn trồng lúa gấp 2-3 lần. Với trên 2ha cam, chắc hẳn năm nay sẽ có một cái Tết vui.
Một trong những điển hình trồng cam, vươn lên làm giàu là hộ gia đình ông Trần Quang Hậu (thôn Cái Bầu, xã Vạn Yên). Hiệu quả từ việc khôi phục cây cam, ông nhanh chóng nhân rộng mô hình. Năm 2012 gia đình ông đã có khoảng 3000 gốc. Tiếp tục nhân rộng, năm nay vườn cam trên 3000 gốc của gia đình ông năm nay nặng trĩu quả, năng suất trên 10 tấn cam, doanh thu khoảng 400-500 triệu. Nhờ trồng cam gia đình ông đã có một cơ ngơi khang trang, mua sắm được tiện nghi sinh hoạt, xe ôtô bán tải vận chuyển hàng hóa...
Ông Lê Văn Bằng, Chủ tịch xã Vạn Yên phấn khởi cho biết: Cùng với những mô hình cây, con giống tận dụng được lợi thế sẵn có của địa phương, người dân dần thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Tỷ lệ hộ đói nghèo cũng giảm đáng kể, năm 2012 chỉ còn 15,6%, cũng giảm một nửa so với 2011(29/%). Số hộ nghèo cũng giảm từ 102 hộ (2011) xuống còn 55 hộ (năm 2012). Trong đó, có nhiều điển hình làm giàu từ chính mảnh đất của mình, từ cây cam truyền thống như gia đình ông Hậu.
* Đánh thức tiềm năng của cây trồng truyền thống
Có thể nói khuyến khích phát triển mô hình trồng cam bản địa tại xã Vạn Yên là một hướng đi đúng đắn đối với một địa phương có thế mạnh vườn đồi, thổ nhưỡng hợp với cây trồng bản địa. Hiệu quả từ trồng cam đã cho thấy bà con nông dân, chính quyền đã rất tích cực chủ động tìm tòi phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Tuy nhiên ít ai biết rằng trước đó cây trồng xóa nghèo này đã có những lúc bị lãng quên. Được khôi phục và trồng lại trong giai đoạn 2005-2006 bởi trước đó, đã có thời điểm cây cam Vạn Yên đứng trước nguy cơ bị “xoá sổ” vì cây kém hiệu quả, thoái hoá giống, năng suất kém. Thời điểm đó, phong trào trồng keo, cây lấy gỗ khác lại nở rộ. Chính quyền xã đã phải vận động, tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn, hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật, chọn những cây cam giống có chất lượng tốt khôi phục và phát triển diện tích trồng cây cam. Hiệu quả kinh tế từ cây cam so với các cây trồng khác giúp bà con đã phấn khởi đầu tư cải tạo lại vườn cam.
Trước, trồng cam thường phát triển manh mún, thiếu kinh nghiệm canh tác, năng suất có phần bấp bênh. Nay nhờ hỗ trợ kỹ thuật, cải tạo đất, các hộ dân trên địa bàn xã còn biết áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào thâm canh, trồng cây cam, quy mô được mở rộng và đầu tư có chiều sâu. Nay những vườn cam đã cho thành quả và trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trong xã. Cuộc sống của hầu hết các hộ dân trong xã đã tạm ổn định, từng bước vươn lên làm giàu.
Ông Lê Văn Bằng, Chủ tịch xã cho biết: Năm 2012 xã đã xin hỗ trợ chính sách được 8ha cây giống. Cây cam cho thu nhập ổn định, dự kiến năm 2013 xã sẽ nhân rộng mô hình, xin hỗ trợ trên 20 ha với trên 20 hộ tham gia trồng loại cây này. Hy vọng bằng những chính sách, đổi thay trên sẽ đưa xã nghèo Vạn Yên vượt khó vươn lên.
T.Quân