Cam Vạn Yên Một mùa Tết bình yên
Với chất lượng thơm ngon, ngọt đặc trưng, vùng trồng cam của xã Vạn Yên (Vân Đồn, Quảng Ninh) lại không bị ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt hay các nguồn gây ô nhiễm môi trường khác, do vậy, các giống cam Vạn Yên đã được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Nhưng hơn chục năm trở lại đây, nhiều diện tích trồng cam trên địa bàn xã đã bắt đầu thoái hóa, già cỗi, bệnh greenning xuất hiện rải rác đã gây ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng quả của giống cam địa phương. Diện tích trồng cam giảm đi đáng kể, thay vào đó là những diện tích trồng keo, nhãn, vải...; hiệu quả kinh tế không cao.
Kiên trì giữ lại giống cam bản địa
Sau gần chục năm trời bôn ba với nghề cơ khí, rồi chở thuê tre, gỗ, năm 1998, chàng trai cao to vạm vỡ Trần Văn Hậu khi đó 31 tuổi bắt tay vào trồng cây ăn quả ở mảnh vườn đồi nhà mình với khoảng 1.000 cây nhãn, 700 cây vải và 500 cây cam. Sau mấy năm trời vất vả, khi cây cối đang lên xanh tốt thì tai họa ập đến, đồi vải nhãn của anh bị cháy rụi gần hết kéo theo gần 100 gốc cam trồng xen kẽ. Không chịu gục ngã, anh dốc sức vào nhân giống trồng cây cam bản địa mặc cho lúc đó các hộ xung quanh đua nhau trồng vải, nhãn và keo lấy gỗ. Bởi khi đó, phần do cây cam bản địa bị bệnh gân xanh lá vàng và thoái hóa chết, phần do giá cả cam thấp so với giá nhãn, vải...
Thương lái vào thu mua tận vườn.
Cần mẫn cặm cụi suốt mấy năm ròng, anh đem những cây cam còn lại của gia đình chiết hết cành để phủ kín cả 3ha vườn đồi khô cằn sỏi đá của mình ở Hang Đui - Đây là khai trường khai thác than có từ thời Pháp thuộc để lại. Chẳng phụ công anh, hàng ngàn cây cam ngày càng xanh tốt cho sản lượng thu hoạch và giá cả tăng lên. Kể từ năm 2007 đến nay, năm nào gia đình ông cũng thu được vài chục tấn quả với thu nhập hàng trăm triệu đồng. Riêng năm 2011 thu về khoảng 20 tấn với trên 400 triệu đồng, còn năm 2013 thu khoảng 30 tấn với từ 700 - 800 triệu đồng.
Thu nhập từ cây cam được ông Hậu giành một phần để sinh hoạt, một phần để mở rộng sản xuất trang trại. Đầu năm 2013, ông đã đầu tư xây khu trang trại nuôi lợn nái và lợn thịt với quy mô lớn, đầu tư máy xúc để cải tạo vườn đồi... Ngoài việc bán lợn để nâng cao thu nhập, ông dùng hoàn toàn phân chuồng để chăm bón cho cam nên cây cam của ông rất tốt, tiết kiệm được chi phí chăm bón, đặc biệt cho năng suất cao và là sản phẩm sạch được thị trường tin dùng.
Hôm tôi và ông Chủ tịch xã Lê Văn Bằng đến thăm, ông Hậu đang loay hoay công việc ở trại chăn lợn. Ngắm nhìn đàn lợn hồng hào béo tốt với 46 con lợn thịt, bình quân mỗi con trên dưới 1 tạ, 15 con lợn nhỡ khoảng 30 - 40kg/con và 10 con lợn nái với hàng chục con lợn nhỏ cùng với khu trại nuôi lợn rừng hoang dã gần 20 con, ước tính Tết này ông xuất bán cỡ 6 tấn lợn thịt, thu về hơn 300 triệu đồng. Ngôi biệt thự khang trang của ông ở góc đồi rừng khuất nẻo này cùng với chiếc xe hơi 5 chỗ... tất cả đều là thành quả từ cây cam mang lại. Vừa nói chuyện, ông vừa lái chiếc máy xúc san gạt con đường lầy lội trong thôn sau trận mưa dài ngày và đã xuống cấp do có nhiều xe tải vận chuyển gỗ keo qua lại. Được biết, đây là con đường nông thôn mới sẽ được khởi công vào năm 2014, tạo thuận lợi cho bà con giao thương đi lại và sản xuất.
Đi giữa vườn cam bạt ngàn trĩu quả, ông Hậu cho biết: “Rừng cam” của mình có 2 giống là cam sành Bản Sen và cam bản địa Vạn Yên, trong đó, phần lớn diện tích là cam bản địa với 2 loại: cam giấy và cam đường. Ưu điểm của cam bản địa là có cuống dai cho quả đậu sai, dễ trồng và dễ chăm bón, chịu đựng được thời tiết gió bão. Còn cam sành thì không bị sâu bọ châm hỏng, nhưng dễ rụng khi gió bão và khi đất trồng không đủ dinh dưỡng, hiệu quả canh tác không cao. Nhìn những rặng cam xanh tươi ngút ngàn giăng kín trên đầu và vàng rực một màu cam đang vào mùa thu trái, thi thoảng, những chú sóc len lỏi “hái trộm” cam chạy vội khi thấy bóng người mà cứ ngỡ như lạc vào rừng cam trong chuyện cổ tích.
Cam Vạn Yên dần chiếm lĩnh thị trường.
Hình thành vùng chuyên canh cam hàng hóa để xây dựng nông thôn mới
Từ thành công của hộ ông Trần Văn Hậu (thôn Cái Bầu), hộ bà Lê Thị Bẩy và ông Trần Thanh Tùng (thôn 10/10)..., nhiều hộ dân trên địa bàn xã có nguyện vọng mở rộng sản xuất, song do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật nên việc đầu tư mở rộng phát triển sản xuất của các hộ gặp rất nhiều khó khăn. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con, năm 2012, UBND xã Vạn Yên đã mở rộng diện tích trồng cam với diện tích 4ha = 800 cây với 30 hộ gia đình tham gia. Qua 1 năm triển khai, tỉ lệ cam giống trồng sống và phát triển tốt đạt 95%. Năm 2013, UBND xã xây dựng đề án trồng cây cam bản địa theo hướng ViệtGap giai đoạn từ năm 2013 - 2015 và đã được UBND huyện phê duyệt với tổng kinh phí hơn 3,6 tỷ đồng. Theo đó, năm 2013, xã đã triển khai trồng mới 10,7ha với 41 hộ tại 04/05 thôn trong xã tham gia; Năm 2014, xã tiếp tục đẩy mạnh trồng mới giống cam giấy bản địa với quy mô khoảng 15ha và khoảng 100 hộ dân tham gia tại các thôn 10/10, thôn Cái Bầu, Đài Mỏ, Đài Làng; Năm 2015, phát triển mô hình sản xuất giống sành, quy mô 10 - 12ha với khoảng 70 - 75 hộ dân tham gia. Theo đó, đến hết năm 2015, tổng diện tích triển khai của dự án dự kiến đạt 35 - 40ha với hàng trăm hộ dân tham gia, hình thành nên vùng chuyên canh cam theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần cho việc phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở địa phương có chuyển biến rõ rệt.
Cùng bà con nông dân vui mừng đón Tết
Chị Duyên - giáo viên Trường THCS Vạn Yên có cửa hàng nhỏ ở trung tâm xã cho biết, từ đầu vụ cam đến nay, chị đã mua khoảng 60 – 70 triệu tiền hàng với mấy chục tạ quả bán cho khách qua lại. Và Tết này, chị chỉ đặt mua được vài tạ quả cho bà con bày mâm ngũ quả đón Tết bởi cam đã về cuối vụ và hàng trở nên khan hiếm do có nhiều thương lái về thu mua. Ông Nguyễn Văn Hành ở khu 2, thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) là một trong số hơn chục thương lái chuyên thu mua cam tận vườn vừa hối hả chằng dây chở cam về giao cho khách vừa hóm hỉnh tiết lộ, nhu cầu tiêu thụ cam vào dịp Tết tăng gấp 3 - 5 lần so với ngày thường, ông đã có kế hoạch mua hàng Tết đem về thị trấn bán nhưng năm nào cũng vậy, sản lượng cam ở đây không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Mấy năm trở lại đây, cam Vạn Yên đã dần thay thế cam Trung Quốc, chiếm lĩnh thị trường trong huyện và các vùng phụ cận, nhưng ngặt nỗi sản lượng cam còn quá nhỏ so với nhu cầu tiêu dùng nên toàn bộ sản lượng cam trong xã luôn được các thương lái đặt mua từ trước, bởi cam Vạn Yên vừa thơm ngon vừa an toàn và là món quà Tết đang được thị trường ưa chuộng.
Trong những ngày vui Tết năm nay, cây cam Vạn Yên là chủ đề nóng hổi được bà con ở đây đem ra bàn luận. Gia đình ông Hậu đã phá bỏ mảnh rừng keo khô cằn, làm đất, ủ phân đợi mùa xuân là trồng mới 1.500 gốc cam bản địa, nâng diện tích trồng cam thêm khoảng 3ha nữa... Nhờ có cây cam mà bữa cơm ngày Tết của nhiều bà con nông dân đã trở nên tươm tất. Cùng với bánh chưng xanh, bữa cơm ngày Tết của bà con càng trở nên sôi nổi bởi có thêm những trái cam bản địa và những câu chuyện về mở rộng diện tích trồng cam. Cây cam Vạn Yên cũng đang vui mừng cùng bà con nông dân đón Tết.