Tin tức » Tin tức & sự kiện

Để "tam nông" thực sự vững mạnh

Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi phù hợp được ngành nông nghiệp tập trung triển khai. 4 mắt xích quan trọng trong mối liên kết đó là Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà nông và Doanh nghiệp. Hiện tỉnh và các ngành, địa phương đều đang nỗ lực để thiết lập các mối liên kết này nhằm góp phần không ngừng nâng cao giá trị nông sản, giúp nông dân sản xuất có định hướng và phát triển bền vững.

Xu hướng tất yếu

Thời gian qua, hình thức hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật, tiêu thụ nông sản giữa nông dân, HTX với doanh nghiệp ngày càng được các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai. Một trong những địa phương thực hiện tốt mối liên kết này đó là TX Đông Triều. Riêng trong năm 2015, Phòng Kinh tế TX Đông Triều phối hợp với nhiều đơn vị, doanh nghiệp tổ chức sản xuất gắn với ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, phối hợp với Viện Cây lương thực và Thực phẩm liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giống lúa PC26 để xuất khẩu sang Nhật Bản với quy mô 35ha; phối hợp với Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nếp cái hoa vàng quy mô 51,6ha; ký kết với Công ty Orion của Hàn Quốc thực hiện trồng và tiêu thụ sản phẩm khoai tây Atlantic… Qua đó, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” trong sản xuất lúa và rau màu đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân.

Từ khi tham gia chương trình OCOP, cam Vân Đồn được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Trong ảnh: Nông dân xã Vạn Yên, Vân Đồn đóng gói cam trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Từ khi tham gia chương trình OCOP, cam Vân Đồn được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Trong ảnh: Nông dân xã Vạn Yên, Vân Đồn đóng gói cam trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Đây là một trong những hình thức liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định sản xuất và đúng theo nguyện vọng của người nông dân. Đồng thời cũng là xu hướng tất yếu khi sản phẩm nông nghiệp ngày càng phải đáp ứng những hàng rào kỹ thuật về chất lượng, an toàn thực phẩm và áp lực về “đầu ra”. Xuất phát từ thực tiễn trên, hiện trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều hình thức liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn. Hình thức liên kết cũng tương đối đa dạng, bao gồm: Liên kết giữa nông dân với HTX; nông dân với doanh nghiệp; HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp hoặc liên kết dọc trong các ngành hàng, chuỗi giá trị nông sản v.v.. Liên kết được thực hiện cả trong việc cung cấp vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và chế biến tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, các tổ chức của nông dân với doanh nghiệp.

Điều đáng ghi nhận là vai trò của doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng thể hiện rõ trong tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong những năm gần đây, với nỗ lực thu hút đầu tư, lĩnh vực nông nghiệp đã có sự quan tâm của khá nhiều doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao như Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Thực phẩm BIM… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh bước đầu hoạt động có hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, như: Công ty CP Đầu tư xây dựng Việt Long, Công ty Dung Huy, Thiên Thuận Tường, Long Hải… Gắn với xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh tập trung triển khai chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” - OCOP. Đây được đánh giá là một trong những cách làm hiệu quả của Quảng Ninh trong việc gắn kết “4 nhà”, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân tốt hơn. Trong chương trình này, Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách hợp lý để hỗ trợ phát triển như đầu tư thiết bị, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ lãi suất tín dụng... Song chủ thể chính vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các HTX tham gia đảm bảo nguồn hàng hoá phục vụ các kênh phân phối sản phẩm tại các trung tâm, điểm bán hàng OCOP.

Cần cách làm bền vững

Mặc dù liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm mang lại những hiệu quả tích cực song trên thực tế vấn đề này vẫn còn nhiều khâu yếu cần có giải pháp khắc phục. Liên kết sản xuất trong nông nghiệp phổ biến hiện nay vẫn là nông dân sản xuất nhỏ lẻ - thương lái thu gom và bán cho các chợ đầu mối với giá trị sản phẩm nông sản không cao. Còn liên kết thông qua sản xuất theo quy trình GAP hoặc HTX liên kết với doanh nghiệp thì vẫn gặp nhiều khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, người sản xuất thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong sản xuất, thị trường không ổn định, khó tồn trữ và bảo quản. Bên cạnh đó, năng lực quản lý kinh tế hộ, kinh tế tập thể của nông dân, các tổ, nhóm, HTX nông nghiệp nhiều hạn chế cũng đã ảnh hưởng lớn đến các mô hình liên kết.

Câu chuyện kém vui về việc 70% sản lượng sản phẩm chè xuất khẩu của Công ty TNHH Chè Thuấn Quỳnh (Hải Hà) bị bạn hàng trả lại trong năm 2015 vừa qua cũng là minh chứng cho khâu yếu về sản xuất và thị trường. Nguyên nhân xuất phát từ sự dễ dãi trong sản xuất khi nông dân không tuân thủ quy trình chăm sóc chè theo GAP, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, giống chè trung du lá nhỏ hiện vẫn chiếm tỷ lệ khá cao…

Để phát triển bền vững, nâng cao giá trị nông sản, Quảng Ninh hiện đang tiến hành thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đề án này cũng đã đề cập đến các giải pháp để thúc đẩy kinh tế hợp tác, xây dựng và phát triển liên minh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu đặt ra từ nay đến năm 2020, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân, sản xuất theo chuỗi để tăng sản lượng nông sản tiêu thụ qua hợp đồng. Ngành sẽ ưu tiên phát triển hình thức tổ chức sản xuất tập trung, đa dạng hoá các loại hình liên kết. Trong đó, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong tỉnh trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất nông, lâm, thuỷ sản. Liên kết giữa các ngành hàng với nhau ở trong tỉnh đối với sản xuất và tiêu thụ các ngành hàng chủ lực có lợi thế để cùng nhau phát triển. Bên cạnh đó, gắn kết chặt chẽ sản xuất với các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến nông sản, các doanh nghiệp lớn với thị trường. Về khâu thị trường, ngành nông nghiệp tích cực thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, giảm khâu trung gian. Đồng thời cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng về thị trường cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng như người nông dân để có định hướng đầu tư phù hợp. Vấn đề quan trọng nhất, đó là tích cực hơn nữa trong xúc tiến đầu tư các dự án nông nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp có uy tín, tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.