Tin tức » Tin tức & sự kiện

Mát, thơm cam Vân Đồn

Từ lâu cam Vân Đồn đã nổi tiếng với vị ngọt, mát và thơm, tuy nhiên phải đến khi tham gia chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” - OCOP, cam Vân Đồn mới khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng người tiêu dùng, từ đó nâng cao giá trị của cây cam, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ trồng cam.

 
Người dân xã Vạn Yên thu hoạch, đóng gói sản phẩm cam.
Người dân xã Vạn Yên thu hoạch, đóng gói sản phẩm cam.

Anh Trần Văn Hậu, Giám đốc HTX Nông trang Vạn Yên - một trong những hộ trồng cam lâu năm và thành công ở xã Vạn Yên, Vân Đồn cho biết: Gia đình chúng tôi bắt đầu xây dựng trang trại trồng cam từ hơn chục năm nay, chủ yếu trồng các giống cam bản địa như cam Sen, cam đường canh. Cả hai giống cam này đều cho năng suất và giá thành khá cao. Đến nay, trang trại đã có 7ha cam, trong đó có 1,5ha đã cho thu hoạch với sản lượng trung bình mỗi năm đạt khoảng 20 tấn. Vụ cam cuối năm 2015, nhiều hộ trồng cam tại Vạn Yên được mùa, được giá với mức giá bán tại vườn trên 30.000 đồng/kg, thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó và sản lượng chưa đủ cung cấp cho thị trường. Mức thu nhập bình quân của các hộ trồng cam đạt từ 900 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.

Xác định là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao, cam Vân Đồn đã được địa phương tập trung xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Đến nay, sản phẩm cam Vân Đồn đã được gắn nhãn mác, bao bì OCOP, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Cam Vân Đồn cũng ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và nghề trồng cam dần trở thành một nghề chính mang lại thu nhập ổn định cho nông dân trồng cam trên địa bàn huyện. Hiện riêng xã Vạn Yên có 90ha trồng cam với 150 hộ tham gia, trong đó đã có 17ha cam cho thu hoạch.

Được biết cam Vân Đồn đã có từ lâu đời, do nhân dân tự trồng và phát triển, trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Bản Sen và Vạn Yên. Đây là giống cam bản địa với các loại cam sáp, cam Sen, cam đường… có vị ngọt đậm đà và mùi thơm đặc trưng. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2013 đến nay, huyện đã hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật để bà con vùng cam phát triển trồng mới 80ha cam và một phần do bà con tự phát triển thêm. Chủ trương của huyện là sẽ xây dựng vùng sản xuất cam tập trung, trở thành một trong những sản phẩm chủ lực xây dựng thương hiệu thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Tính đến hết năm 2015, toàn huyện Vân Đồn có 150ha cam, trong đó Bản Sen 70ha, Vạn Yên 80ha, sản lượng đạt khoảng 600 tấn. Huyện đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2016, sẽ nâng diện tích trồng cam toàn huyện lên hơn 220ha, sản lượng đạt khoảng trên 900 tấn. Đến nay, huyện Vân Đồn cũng đã quy hoạch chi tiết vùng sản xuất cam tập trung tại Vạn Yên, Bản Sen, Bình Dân, Đoàn Kết, Đài Xuyên với diện tích đến năm 2020 phấn đấu đạt khoảng 610ha, sản lượng đạt trên 3.200 tấn/năm.  Để hỗ trợ người dân tập trung phát triển cây cam đặc sản, huyện Vân Đồn cũng tích cực phối hợp với các đơn vị khoa học như Viện Nghiên cứu rau quả để chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất cây giống bằng công nghệ ghép để có hệ số nhân giống cao hơn. Bên cạnh đó, huyện cũng cử đoàn đi học tập kinh nghiệm tại vùng sản xuất cam tập trung ở Cao Phong (Hoà Bình). Đồng thời, xây dựng cơ chế đầu tư hạ tầng dùng chung phục vụ sản xuất tại vùng trồng cam tập trung như hệ thống đường giao thông, điện lưới, tưới tiêu và hỗ trợ cây giống, kỹ thuật cho bà con. Huyện cũng đang tập trung xây dựng website Cam Vân Đồn, dự kiến quý I-2016 sẽ bắt đầu đi vào hoạt động, tăng thêm một kênh quảng bá sản phẩm để cam Vân Đồn vươn xa.