Vân Đồn: Mở rộng vùng sản xuất cam tập trung
Cam là một trong những sản phẩm OCOP của huyện Vân Đồn, của tỉnh, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Xác định được hiệu quả kinh tế mang lại từ cây cam, năm nay huyện Vân Đồn bắt đầu triển khai phát triển vùng sản xuất hàng hoá cam tập trung. Đây là bước hiện thực hoá mục tiêu của huyện nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyên canh tập trung.
Hiện Vân Đồn có 155ha cam ở độ tuổi cho thu hoạch, trong đó Vạn Yên 80ha, Bản Sen 70ha, còn lại 5ha ở xã Đoàn Kết và Đài Xuyên. Đây là các giống cam bản địa, sức sống tốt, năng suất trung bình đạt 15 tấn/ha, tổng sản lượng cam toàn huyện trên 2.200 tấn/năm. Với giá thu mua trên thị trường hiện nay từ 30.000 - 40.000 đồng/kg thì tổng giá trị thu được từ cây cam đạt khoảng 70 tỷ đồng/năm. Bởi những ưu điểm trên, nên cam đang là loại cây trồng số 1 của Vân Đồn. Để phát huy giá trị loại cây trồng này, huyện đã xây dựng Quy hoạch phát triển vùng sản xuất cam tập trung đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đã được HĐND huyện thông qua, đang chờ cấp thẩm quyền chính thức phê duyệt. Đây được đánh giá là một bước đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp của Vân Đồn.
|
Chị Nguyễn Thị Hương (thôn 10/10, xã Vạn Yên) hội viên HTX Nông trang Vạn Yên, phấn khởi trước vườn cam trĩu quả của gia đình. Ảnh: Dương Trường |
Theo Quy hoạch, đến năm 2020 huyện mở rộng thêm gần 880ha cam, nâng tổng diện tích cam toàn huyện trên 1.030ha. Toàn bộ diện tích được quy hoạch mở rộng là đất rừng sản xuất của người dân và Công ty TNHH Lâm nghiệp Vân Đồn. Hiện nay, việc mở rộng vùng trồng cam tập trung có những thuận lợi, như diện tích chủ yếu ở các vùng trồng cam truyền thống, phù hợp về thổ nhưỡng; người dân có kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây cam. Hiệu quả kinh tế từ trồng cam đã được khẳng định từ thực tế, nên nhiều hộ dân phấn khởi tham gia, sẵn sàng đầu tư mở rộng diện tích trồng cam.
Với các nội dung trong Quy hoạch, nhiều người trong giới chuyên môn cho rằng tiến trình thực hiện vùng sản xuất cam tập trung nhiều khả năng nảy sinh nhiều khó khăn, trong đó khó khăn trước mắt là vốn đầu tư, nước tưới và thu hút sự tham gia của doanh nghiệp... Hiện nước tước cho toàn bộ diện tích cam đang có của Vân Đồn là nguồn tự nhiên tại hệ thống khe suối trong vùng. Trong Quy hoạch, hướng giải quyết về vấn đề nước tưới cũng tính tới việc xây dựng các đập trữ nước, tuy nhiên quy mô nhỏ, chủ yếu là đập ngăn dòng chảy của các con suối, còn lại vẫn dựa vào nguồn nước tự nhiên là chính. Theo Sở NN&PTNT, mặc dù cây cam không phải là loại cây ưa nước, nhưng thời kỳ mới trồng (3 năm đầu) và giai đoạn ra quả hàng năm lại rất cần nước. Bởi vậy, với hướng giải quyết như Quy hoạch khó có thể chủ động đáp ứng nhu cầu về nước khi diện tích toàn vùng cam lên tới trên 1.000ha, nhất là trong tình hình hiện nay thời tiết diễn biến thất thường, nguồn sinh thuỷ giữ nước, trữ nước không tốt. Bên cạnh đó, theo Quy hoạch, toàn bộ diện tích mở rộng chủ yếu lấy vào đất rừng sản xuất với loại cây trồng chính là cây keo, là loại cây nhanh làm đất bạc màu. Riêng toàn bộ khu vực các đỉnh đồi chất đất tương đối xấu, nhiều đá sỏi, tầng đất màu mỏng. Theo ông Lê Đình Áng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Vân Đồn, chỉ có khoảng 60% diện tích đất rừng tại các vị trí quy hoạch phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cây cam.
Một vấn đề nữa là mặc dù người dân rất mong muốn được tham gia phát triển cây cam, nhưng để sản xuất theo quy mô tập trung thì không đủ nguồn lực. Hiện giá trị đầu tư khoảng 120-150 triệu đồng/ha cam, sau 3 năm mới được thu quả. Huyện đã xây dựng chính sách hỗ trợ người dân trồng cam (từ 5.000m2 trở lên), nhưng nguồn lực hiện có của huyện khó thực hiện được. Theo phân tích của huyện, hiện trong các vùng quy hoạch, người dân xã Vạn Yên có nhiều điều kiện để mở rộng sản xuất cam. Xã có 5 thôn thì đến 4 thôn nằm trong vùng quy hoạch của dự án khu giải trí phức hợp Vân Đồn, nên không thể mở rộng diện tích cam tại chỗ. Hiện trên địa bàn huyện không có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, việc thu hút doanh nghiệp ngoài huyện mới dừng ở mức quan tâm, nghiên cứu.
Ban Biên Tập